Tài khoản

Gây tê tủy sống (P1): Quy trình và những đối tượng được phép áp dụng phương pháp gây tê tủy sống khi sinh mổ

Trong số các phương pháp giảm đau dùng thuốc khi sinh nở thì gây tê ngoài màng cứng và gây tê tủy sống là hai phương pháp được các chị em quan tâm nhất. Nếu gây tê ngoài màng cứng là phương pháp giảm đau được áp dụng cho các ca sinh thường thì gây tê tủy sống lại là phương pháp dành cho các mẹ sinh mổ. Mời các mẹ cùng Bibabo tìm hiểu về phương pháp này nhé.

Gây tê tủy sống là gì?

Gây tê tủy sống còn gọi là gây tê dưới màng cứng hay tê dưới màng nhện, là một phương pháp gây tê vùng, thực hiện bằng cách đưa một lượng thuốc tê thích hợp vào khoang dưới màng nhện, thuốc tê sẽ hòa chung vào dịch não tủy và sẽ tác động vào các rễ thần kinh gây mất cảm giác, liệt vận động. Gây tê tủy sống sẽ tiêm thuốc gây tê trực tiếp vào dịch não tủy và sẽ có tác dụng ngay sau 5 phút.

Gây tê tủy sống được chỉ định dùng trong nhiều loại phẫu thuật, ví dụ như phẫu thuật chi dưới, phẫu thuật tiết niệu,... Trong sản phụ khoa, gây tê tủy sống được chỉ định cho các trường hợp cắt tử cung, cắt u nang buồng trứng, thông vòi trứng và mổ lấy thai,...

Đối với sinh mổ, kỹ thuật gây tê tủy sống được thực hiện theo chỉ định của các bác sỹ khi phẫu thuật mổ lấy thai cấp cứu hoặc theo yêu cầu của thai phụ từ ban đầu (đẻ mổ chủ động).

Việc gây tê nhằm giúp sản phụ vẫn giữ được tỉnh táo, giúp điều hòa nhịp tim và huyết áp trong quá trình mổ bắt con. Gây tê tủy sống giúp xác suất nguy hiểm cho bé xuống thấp nhất có thể.

Gây tê tủy sống sẽ khiến các mẹ bất động hoàn toàn nửa thân dưới trong nhiều giờ dù em bé đã được các bác sỹ nhấc ra khỏi bụng mẹ (cho đến khi thuốc tê hết tác dụng).

Gây tê tủy sống được áp dụng trong nhiều ca sinh mổ

Những đối tượng nào đủ điều kiện áp dụng phương pháp gây tê tủy sống?

Đây là phương pháp được áp dụng phổ biến trong các ca sinh mổ, tuy nhiên chỉ  áp dụng với những sản phụ có sức khỏe ổn định. Những sản phụ có các bệnh lý đặc biệt thì các bác sĩ sẽ không sử dụng biện pháp này.

Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành công văn cấm sử dụng phương pháp gây tê tủy sống với các trường hợp sản phụ bị nhau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, nhau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật,… Lý do là thai phụ mắc tình trạng này có nguy cơ cao gặp tai biến như tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng nếu gây tê tủy sống. Những trường hợp này sẽ đươc áp dụng phương pháp gây mê nội khí quản thay vì gây tê tủy sống.

Ngoài ra, những trường hợp sau cũng không được chỉ định áp dụng phương pháp giảm đau này:

  • Bệnh nhân từ chối.

  • Thiếu khối lượng tuần hoàn lớn.

  • Rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông.

  • Nhiễm trùng tại vùng da chọc kim hay bị nhiễm trùng toàn thân.

  • Bất thường giải phẫu mà không thể chọc tuỷ sống được.

  • Tăng áp lực nội sọ.

  • Dị ứng thuốc tê.

  • Sản phụ có cột sống dị dạng.

  • Sản phụ bị động kinh, tâm thần hay mắc các bệnh liên quan đến tim mạch.

  • Cao huyết áp nặng hoặc huyết áp quá thấp,

  • Viêm xương khớp, ung thư di căn vào xương.

Quy trình gây tê tủy sống

Để chuẩn bị tâm lý tốt nhất, mẹ bầu nên tìm hiểu trước về quy trình gây tê tủy sống để chủ động hơn trong quá trình sinh mổ. Quy trình gây tê tủy sống gồm những bước sau:

Truyền dịch trước khi gây tê

Trước khi gây tê, đội ngũ bác sĩ, y tá sẽ bắt đầu bước truyền dịch qua đường tĩnh mạch cho mẹ. Việc truyền dịch có hai mục đích, một là bù lại lượng dịch mẹ còn thiếu trước mổ do nhịn ăn hay mất nước trong quá trình chuyển dạ, hai là bù vào khối lượng tuần hoàn do giãn mạch ngay sau khi thuốc tê ngấm vào người.

Theo dõi nhịp tim và huyết áp

Sau khi bắt đầu truyền dịch vài phút, mẹ sẽ được tiến hành các thao tác điện tim, huyết áp động mạch, nhịp thở, bão hòa oxy nhịp mạch mức giảm cảm giác vận động.

Xác định vùng gây tê

Để bắt đầu việc tiêm thuốc gây tê, sản phụ được các bác sĩ chọn một trong hai tư thế:

Một là bệnh nhân sẽ ngồi cong lưng hình chữ C, cằm tì vào đầu gối. Tư thế này có thể dễ xác định các khe đốt sống để tiến hành gây tê hơn nhưng thường gây cảm giác khó chịu cho mẹ bầu bụng đã “vượt mặt”.

Hai là nằm nghiêng co lưng hình con tôm. Hai đầu gối áp sát vào bụng cằm tì vào ngực. Các y tá thường giữ đầu gối và tay sản phụ không hoàn toàn song song với bàn mổ để các bác sĩ tiến hành bôi cồn xung quanh vùng xương đánh dấu vùng tiến hành chọc tiêm gây tê.

Sát trùng vùng gây tê

Trước khi chọc kim tiêm vào tủy sống, bác sĩ thường sát trùng vùng gây tê bằng nước sạch, sau đó sát trùng bằng cồn i-ốt. Sau 2 lần sát trùng bằng cồn i-ốt, sản phụ được sát trùng lượt cuối bằng cồn 70 độ để tránh kim tiêm mang theo cồn i-ốt vào tủy sống. Sau đó lau khô và phủ khăn lỗ lên trên.

Tiến hành chọc kim gây tê

Kỹ thuật chọc kim gây tê vào tủy sống cần đảm bảo vô trùng tuyệt đối nên mọi dụng cụ trước khi tiến hành đều cần được hấp vô trùng. Người gây tê phải đội mũ, mặc áo, đeo găng tay để tiến hành gây tê và mổ lấy thai.

Bác sĩ sẽ dùng kim tuỷ sống luồn qua kim dẫn đường 3 - 5cm (vát kim hướng lên trên khi bệnh nhân nằm, vát kim nằm nghiêng khi bệnh nhân ngồi) rút nòng kim nếu thấy dịch não tuỷ chảy ra tức là kim đã ở trong khoang dưới nhện (kim càng bé thì dịch não tuỷ chảy ra càng chậm). Sau khi chọc kim tiêm vào vị trí chính xác, bác sĩ bắt đầu bơm thuốc tê từ từ, áp lực thấp để tránh thuốc tê vào tạo xoáy dịch ở ngay đầu trong của kim gây tê.

Mời các mẹ đọc thêm thông tin tại phần 2: Gây tê tủy sống (P2): Tác dụng phụ ngay sau sinh và về lâu dài của phương pháp gây tê tủy sống.



09/2017.  Có 10 thích.   Đã có 47 phản hồi.
  Thích
  Facebook
Xem thêm bình luận